Nhận xét Đăng cao

Đăng cao cũng giống như tám bài Thu hứng, đều là thơ trữ tình, làm theo thể thơ luật (thất ngôn bát cú) và đều là những bài rất hay. Tuy nhiên, dù là thơ tự sự, trữ tình hay kết cả hai, thơ Đỗ Phủ đều có đặc điểm chung là thâm trầm, cô động. Phong cách ấy là sự thống nhất giữa kinh nghiệm sống, cá tính, tư tưởng của nhà thơ; đồng thời nó cũng thể hiện thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc: "chữ dùng chưa kinh người, chết cũng chưa yên"[4].

Trích ý kiến GS. Nguyễn Khắc Phi: Giống như nhiều bài thơ bát cú Đường luật khác, Đăng Cao chia làm hai phần (mỗi phần 4 câu), phần trên nặng cảnh nhẹ tình, phần dưới nặng tình nhẹ cảnh. Tống Tôn Nguyên[5] nhận xét "Bốn câu trên nói những điều nhìn thấy lúc lên cao, bốn câu dưới nói những điều xúc cảm lúc lên cao" (thượng tứ cú đăng cao sở kiến, hạ tứ cú đăng cao sở cảm).Và thông thường, thơ Đường luật chỉ cần đối ở hai cặp giữa. Đặc biệt, ở Đăng cao, tất cả bốn cặp câu đều đối rất chỉnh mà vẫn tự nhiên; trong thơ cổ, rất ít bài được như vậy.

Trong bài thơ, trọng điểm ở bốn câu đầu là tả cảnh, song trong cảnh đã thoáng lộ tình buồn (qua tiếng vượng kêu bi ai, qua cảnh lá rơi tơi tả), nhưng xao động, dữ dội (qua làn gió thổi gấp, cánh chim liệng vòng, sóng nước cuồn cuộn).Ở bốn câu cuối, chủ yếu là tả nỗi lòng của Đỗ Phủ lúc lên cao: buồn và ngao ngán vì mãi phải "làm khách tha hương, cô đơn, già yếu và lắm bệnh".

Qua đó, có thể nói Đăng cao là một bài thơ buồn, rất buồn. Cảnh buồn, tình buồn. Nhưng không buồn sao được khi đất nước chìm đắm mãi trong loạn ly, khi nhân dân chịu đựng mãi cảnh đau thương hoạn nạn và bản thân ông thì: đói khổ, già yếu, bệnh tật, gia đình ly tán…Nhưng đây không phải là một thứ tình cảm bi lụy vì đằng sau đó vẫn thấy cả một sự vận động, trăn trở của một tâm hồn lớn...[6]